Trong tuần này, Apple lại đem Samsung ra tòa án tại Mỹ để kiện và đòi bồi thường 2 tỷ USD.
Lần cuối cùng hai công ty này giải quyết tranh chấp ở Mỹ là vào năm ngoái. Khi đó, Apple đã được tòa thông báo là sẽ nhận được 1 tỷ USD từ Samsung. Trong khi năm 2012, Apple chủ yếu kiện Samsung về các bằng sáng chế thì tại thời điểm này, táo khuyết lại tập trung vào những tính năng cụ thể trên iPhone. Những tính năng này nhiều smartphone Android của các công ty khác cũng bắt chước theo, tuy nhiên Apple chỉ chăm chăm tấn công vào hãng công nghệ Hàn Quốc.
Vậy những tính năng, phần mềm này là gì mà lại đáng giá tới 2 tỷ USD? Chúng ta hãy cùng thử tìm hiểu xem:
Tính năng hiển thị địa chỉ, ngày tháng, số điện thoại và thời gian xuất hiện trong các liên kết của tin nhắn
Apple đã được cấp bằng sáng chế gọi là "hệ thống và phương pháp thực hiện thao tác trên một cấu trúc dữ liệu" vào năm 1999. Đây được xem là cơ sở nền tảng của tính năng hiển thị địa chỉ, ngày tháng và thời gian xuất hiện trong các liên kết của tin nhắn trên
điện thoại iPhone thời điểm này. Ví dụ, nếu bạn gửi tin nhắn cho một người con gái và hỏi cô ấy có thể gặp nhau vào lúc 8 giờ tối, thì bạn có thể tạo liên kết con số 8 giờ tối đó với một sự kiện ghi nhớ trong ứng dụng lịch. Tiện lợi hơn, bạn có thể lấy ngay địa chỉ được đề cập trong tin nhắn để kiểm tra thẳng trên Apple Maps, thay vì phải tốn công copy paste như truyền thống. Mặc dù Samsung có "học hỏi" theo nhưng tính năng này cũng được tìm thấy trên khá nhiều thiết bị Android khác. Điển hình có thể kể đến LG G2 với tính năng Text Link với cách thức hoạt động và công dụng tương tự.
Tính năng đồng bộ dữ liệu nền
Apple đã nhanh chân đăng ký bằng sáng chế cho tính năng "đồng bộ hóa dữ liệu giữa các thiết bị". Ví dụ, bạn có thể mở ứng dụng lịch trên smartphone để chỉnh sửa, thêm sự kiện thì các dữ liệu thay đổi này sẽ được đồng bộ hóa cho những tablet hoặc laptop dùng chung một tài khoản. Do sự tiện lợi của tính năng này, các smartphone Android khi ra đời cũng đã được cài đặt sẵn chế đồng bộ hóa dữ liệu nền.
Tính năng tìm kiếm tổng quát
"Giao diện tìm kiếm thông tin tổng quát trong hệ thống" là tính năng mà Apple đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2005. Với tính năng này, người dùng khi gõ từ khóa tìm kiếm có thể tìm kiếm từ các nguồn khác nhau như tìm trong hệ thống sản phẩm, tìm trên web hay tìm trên Wikipedia. Vào năm 2011, phiên bản Android 3.0 mã Honeycomb cũng đã tích hợp tính năng tìm kiếm tổng quát tương tự như của Apple. Một lần nữa chúng ta lại thấy: Mặc dù nhiều hãng sản xuất thiết bị Android cùng vi phạm, nhưng Apple chỉ nhằm vào Samsung để kiện tụng.
Tính năng trượt để mở khóa
Apple tuyên bố rằng, Samsung đang vi phạm bằng sáng chế "mở khóa cho thiết bị bằng cách thực hiện các cử chỉ trên hình ảnh" của họ. Nói cách khác, Apple đang ám chỉ việc hãng công nghệ Hàn Quốc học theo tính năng trượt để mở khóa trên iPhone. Tuy nhiên nói chung thì hầu hết các thiết bị di động, bao gồm smartphone Android đều được trang bị tính năng mở khóa như trên và đều vô tình vi phạm bằng sáng chế từ Apple. Năm 2012, tòa án tại Đức không chấp nhận khiếu nại của Apple về bằng sáng chế trượt mở khóa. Đồng thời, tòa án còn cho biết rằng Apple chưa đủ điều kiện để cấp bằng sáng chế do tính năng trượt mở khóa còn đơn giản và thiếu sự đổi mới.
Tính năng tiên đoán, tự động hoàn tất từ
Bằng sáng chế của Apple mang tên "phương pháp, hệ thống và giao diện của tiên đoán, tự động hoàn tất từ". Tính năng này đã tồn tại trên iPhone và smartphone Android từ rất lâu rồi, tuy nhiên Apple lại chỉ tuyên chiến với Samsung.
Với tính năng tiên đoán, tự động hoàn tất từ, bạn thao tác trên bàn phím của iOS, iOS sẽ tự động hoàn thành từ khi bạn nhấn vào phím space. Hơi khác một ít, các smartphone Android lại cung cấp từ ngữ tiên đoán trên một dòng của bàn phím ảo để bạn lựa chọn.
Theo Bussiness Insider