“Vào cuối tuần lễ đưa hàng ra thị trường, chúng tôi đã bán được 9 triệu cái iPhone, đó là vụ thu hoạch lớn nhất từ trước đến nay”, tổng giám đốc Tim Cook nói tại một cuộc họp báo khi giới thiệu hai mẫu iPad mới hôm 22.10. Điều không được nói ra là doanh số đó do dòng 5S hay dòng 5C chiếm lĩnh.
Điện thoại iPhone 5C dường như không làm cho người sở hữu nó bị ganh tỵ. Ảnh: TLCK
5C là iPhone giá rẻ của Apple được chào thị trường vào tháng 9 về cơ bản giống như iPhone 5 đưa ra hồi năm 2012 với vỏ máy bằng nhựa nhiều màu khác nhau. Giá 5C là 549 USD (hoặc 99 USD với hợp đồng hai năm), và Apple có vẻ như đang bị rối khi bán chúng, theo nhiều báo cáo cho biết.
Vấn đề là Apple dường như đã đánh mất tầm nhìn về một trong những lý do lớn mà người ta phát rồ đối với sản phẩm iPhone và iPad làm cho người mua cảm thấy mình “cao” hơn, và cho phép họ khoe khoang những đời máy mới nhất và xịn nhất với bàng dân thiên hạ.
“Ngày xưa, bạn là thợ săn mang về con nai lớn nhất hoặc giết con sư tử và đeo những cái răng của nó trên cổ”, Roger Dooley, tác giả cuốn Tác động vào não: 100 cách để thuyết phục khách hàng bằng phương pháp tiếp thị thần kinh, nói. “Giờ đây, nếu bạn có thể mang về cái thứ công nghệ ấy, đó chính là một cách để nâng địa vị xã hội của mình lên – ít nhất là theo ý nghĩ của bạn”.
Nhưng điện thoại 5C không đem lại sự hứa hẹn đó.
Hơn nữa, nó không đủ rẻ và đủ khác biệt để cho phép Apple đi vào thị trường điện thoại di động cấp thấp. Công ty có thể hy vọng nhân bản lại sự thành công của cái iPod Shuffle với một cái giá thấp đáng kể. Tuy nhiên, điện thoại 5C “vừa không rẻ thực sự vừa không được ưa chuộng thực sự”, Dooley bình luận.
Apple không phản ứng ngay trước dư luận nói trên. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Bloomberg Businessweek hồi tháng trước, Cook nói rằng Apple muốn giữ khoảng cách xa với một thị trường điện thoại thông minh tạp nhạp. Ông không muốn bất kỳ điện thoại Apple nào được coi là rẻ.
“Chúng tôi không bao giờ đặt ra mục tiêu bán điện thoại giá thấp”, Cook nói, “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là bán một cái điện thoại cao cấp và cung cấp một trải nghiệm cao cấp, và chúng tôi không hề hình dung đạt mục tiêu ấy bằng một điện thoại giá thấp”.
Triết lý của nhãn hàng Apple là nhân tố “Chúng tôi chống lại chúng nó” được xây dựng từ những ngày đầu thành lập vào những năm 1980, đối lập với Microsoft và những kẻ khổng lồ khác trong thế giới công nghệ.
Hiện tượng là “sức mạnh chủ đạo” giúp Apple – cũng như hằng hà những nhãn hàng cao cấp khác – thành công qua nhiều năm, Dooley nói.
Giờ đây, khi mà những điện thoại xịn của Samsung như Galaxy S4 được chấp nhận rộng rãi như là đối thủ ngang ngửa với iPhone, Apple khó khăn khi thuyết phục khách hàng rằng điện thoại của họ tạo ra địa vị cao hơn so với những người sở hữu hàng Samsung.
“Samsung đã lấp đầy khoảng trống về đồ dùng đi kèm địa vị bằng một điện thoại thật hào nhoáng, tạo ra cảm giác như là một thứ ma thuật trên tay hơn là chỉ đơn thuần một thiết bị. Người dùng cảm thấy mình có gì đó thần bí”, Kevin Roose của tờ Daily Intelligencer viết về điện thoại S4 trên số tháng 6.
Apple rơi vào thế tấn thối lưỡng nan mà nhiều nhà sản xuất hàng cao cấp mắc phải: hàng cao cấp phải là thứ ở chót vót trên thị trường, nên làm thế nào người ta có thể tạo ra một sản phẩm giá thấp đủ khác biệt mà không giảm chất lượng thống trị của một nhãn hàng?
theo thongtincongnghe