iOS 7 là phiên bản hệ điều hành mới nhất và có nhiều thay đổi nhất của Apple từ trước đến nay, khác đến nổi nó không giống bất cứ một phiên bản iOS nào cả. iOS 7 bổ sung giao diện mới màu mè hơn, nhiều chức năng tiện dụng hơn làm cho người dùng thông thường cảm thấy thích thú nhưng nếu nhìn sâu vào bên trong hơn một chút, đứng ở khía cạnh các lập trình viên thì nhiều người trong số họ vẫn chưa mấy vui vì về bản chất thì iOS 7 vẫn còn "đóng" chứ chưa "mở" được như Android, tức khả năng can thiệp sâu vào hệ thống. Có thể nói tối ngày 10/06 vừa qua là một buổi đại tiệc của Apple dùng để thết đãi người dùng của họ, với hàng loạt các tính năng mới được giới thiệu để làm dịu bớt cơn khát tính năng của người mua iPhone, còn nhiều lập trình viên thì chỉ biết chắc lưỡi vì một lần nữa, Apple lại nói không với việc mở cửa hệ điều hành di động độc nhất và tiên tiên nhất của mình.
Nói vậy không có nghĩa là các lập trình viên cho iOS bị bỏ quên hay đối xử không tốt, họ vẫn được Apple tạo đủ điều kiện để phát triển ứng dụng cho iOS một cách dễ dàng và kiếm tiền bỏ túi dẫn bạn gái đi chơi. Tuy nhiên, không ít các lập trình viên muốn dừng lại ở đó, họ muốn được đào sâu hơn vào hệ điều hành iOS và viết ra các ứng dụng mang tính hệ thống cao hơn giống như họ đang làm đối với Android. Nhưng đối với Apple, đó là một điều cấm kỵ, ít nhất là ở thời điểm hiện nay. Thay vì có thể tận dụng hàng trăm ngàn các lập trình viên ngoài kia bằng cách mở cửa hệ điều hành, cung cấp các API... để họ tự do sáng tạo giao diện, bổ sung đủ các loại chức năng hầm bà lằng cho iOS thì Apple vẫn giữ nguyên tính nết độc tài của mình, vẫn chỉ dùng những lập trình viên chính chủ do Apple trả lương để xây dựng nên iOS nói chung và iOS 7 nói riêng.
Với tần suất ra mắt sản phẩm mới 1, 2 năm/lần, trong khi bên Android thì mắn đẻ như kiến chúa thì một điều dễ hiểu là con robot màu xanh sẽ có nhiều chức năng mà trái táo bể còn lâu mới có hay thậm chí là không biết chừng nào mới có. Ví dụ điển hình nhất là khi bạn nhìn vào iOS 7, đến tận năm nay thì iPhone mới có cái gọi là Control Center để bật tắt nhanh Wi-Fi, Bluetooth, chỉnh độ sáng... (không tính Jailbreak nhé), mới có một vài widget nhỏ dùng để bật đèn pin, mở đồng hồ, máy tính… Nghe có vẻ thê thảm và não nùng nhưng trước khi có nhưng cái đó, từ iOS 6 trở về trước, iPhone/iPad và iOS luôn là những sản phẩm có thị phần rất cao hiện nay trên toàn thế giới. Apple tuy chỉ dùng những lập trình viên chính chủ ít ỏi (so với lượng lập trình viên tự do) nhưng họ đã làm rất tốt một công việc đó là: tạo ra một hệ điều hành di động không phải tốt nhất nhưng mà là được việc nhất.
Được việc là sao? Đó là sự đơn giản, dùng được hay nói dài dòng hơn là đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nhất một cách tốt nhất. Đó là lý do tại sao Apple chỉ dùng những lập trình viên chính chủ, là vì để đảm bảo cho tiêu chí đó được thực thi một cách đúng và chính xác nhất. Có thể iOS không có những tính năng rất cao cấp như bên Android nhưng ở cấp độ cơ bản hơn như gọi điện, chụp hình hay đơn thuần là viết một ghi chú nhỏ trong điện thoại… thì iOS hoàn thành những công việc cơ bản đó một cách rất tốt. Mình lấy một ví dụ nhỏ ngay trong iOS 7, đến năm 2013 này thì Apple mới chịu lòi ra mấy cái công tắc Wi-Fi, Bluetooth này kia để bật tắt nhanh, trong khi Android thì đã có từ thời cổ chí kim nào rồi. Và trong khi trên App Store ngập tràn các ứng dụng đèn pin thì bây giờ Apple mới chịu "bố thí" cho người dùng thêm cái widget đèn pin trong Control Center. Có thể bạn chê cái bố thí đó không có nhiều chức năng như các ứng dụng từ hãng thứ ba nhưng về cơ bản, nó đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất đó là, kiếm cho bạn một cái đèn pin lúc khẩn cấp trong thời gian ngắn nhất và hoạt động đơn giản nhất, vậy thôi.
Để sử dụng được iPhone/iPad, bạn chỉ cần là một đứa con nít 2 tuổi thôi cũng được, còn để sử dụng Android, bạn phải thông minh, biết tìm tòi, siêng năng học hỏi và biết nghiên cứu như một khoa học gia. Nói vậy không phải chê người dùng iOS ngu mà là vì iOS quá dễ để sử dụng và không có nhiều rắc rối khó giải quyết như người bạn Android đồng trang lứa.
Thêm một nguyên nhân khác Apple chưa mở cửa iOS chỉ để nội bộ lập trình viên nhỏ to tâm sự đó là vì một yếu tố thứ hai cực kỳ quan trọng và có tính sống còn đó là: tính ổn định. Ở mỗi một kỳ sản phẩm iPhone/iPad với một phiên bản iOS hoàn thiện mới nhất thì hệ điều hành này luôn mang lại một cảm giác sử dụng rất tốt mà chúng ta hay nói đó là nhanh và mượt. Điện thoại là thứ chúng ta sử dụng rất nhiều ngày nay, nếu cứ mỗi thao tác chúng ta phải tốn thêm khoảng 0,5 giây cho những cái như "lag", giật, không mượt thì cộng lại một ngày, một tuần, một tháng, một năm, chúng sẽ gây ra những lãng phí lớn không đáng có.
Ở iOS, bạn sẽ luôn được sử dụng những bản hệ điều hành mới nhất với độ ổn định cao nhất (đang cho là bạn đang xài chiếc iDevice mới nhất), ở Android thì muốn có thể được hưởng hai cái nhất đó bạn phải mua một chiếc máy cao cấp nhất với giá tiền cao nhất, mà trớ trêu là đôi khi cái máy xịn nhất đó lại không có hệ điều hành mới nhất của Google và độ ổn định thì có khi lại… bằng với cái máy Android phổ thông giá hai ba triệu đồng (vì cùng là Android), mặc dù so tốc độ thì tất nhiên máy đó là nhanh nhất thật.
Nói tóm lại, iOS không "mở" và phóng khoáng như Android, mấy người trùm cuối của Apple có tính độc tài, phong kiến nhưng bù lại họ tạo ra những thứ được việc ("get the job done") chạy tốt mà ai cũng dùng được. Còn Android tuy cũng được việc đó, nhưng cái cách mà nó hoàn thành công việc thì hơi… "nguy hiểm" (muốn tạo một ghi chú trong điện thoại nhưng lại không có app ghi chú sẵn ư? Lên Google Play, search "Note", ra khoảng chừng mấy trăm hay một ngàn phần mềm ghi chú gì đó, ngồi chọn ra cái tốt nhất rồi tải về xài ). Android tuy không nhanh và ổn định như iOS nhưng nó làm cực kỳ tốt một công việc đó là làm thỏa mãn tính sáng tạo không ngừng của người sử dụng cũng như các lập trình viên. Lấy cái app Gmail ra so với app email của iOS xem, iOS phải gọi Android bằng cụ, so khả năng tùy biến giữa hai máy, iOS phải gọi Android bằng thánh. Còn nhiều cái để so và để anh em "war" với nhau nhưng thôi, mỗi người có một lập trường riêng và nếu một cái nào đó dở người, không tốt thì sẽ không có nhiều người xài.